Mạng di động 5G đạt tốc độ 5 Gb mỗi giây
Trong khi nhiều nước còn chưa triển khai mạng 4G, Ericsson đã tiến hành thử nghiệm nội bộ công nghệ 5G với tốc độ nhanh hơn nhiều lần.
Dự kiến phải tới năm 2020, 5G mới được triển khai thương mại tại các mạng di động. Tuy nhiên một số công ty đã sớm thử nghiệm công nghệ kết nối thế hệ kế tiếp của 4G LTE. Trước sự chứng kiến của đại diện công ty NTT DOCOMO và SK Telecom, Ericsson đã trình diễn tốc độ 5 Gb/giây của 5G ngay tại phòng nghiên cứu ở Kista, Thụy Điển.
Cuộc trình diễn được thực hiện với giao diện vô tuyến sáng tạo và công nghệ MIMO tiên tiến để đạt được tốc độ mang tính kỷ lục thế giới. Các bước Ericsson phát triển 5G bao gồm công nghệ ăng-ten mới với bằng tần rộng hơn, tần số cao hơn và giảm khoảng thời gian truyền dẫn (transmission time interval). Hệ thống trạm phát sóng được thiết kế riêng cho thử nghiệm 5G.
4G LTE hiện đạt 225 Mb/giây. Trong khi đó, 5 Gb/giây của 5G có nghĩa người dùng chỉ phải đợi chưa đến 100 giây để tải file dung lượng lên tới 50 GB. Tuy nhiên, khi đạt tới tốc độ này, giới chuyên gia không tính đến việc tải một bộ phim nhanh tới mức độ nào mà họ hướng đến viễn cảnh Internet of Things, nơi vạn vật được kết nối và đảm bảo kết nối trong ôtô trên đường cao tốc, hệ thống điện lưới thông minh, điều khiển từ xa bằng video độ phân giải cao...
Lộ trình phát triển từ công nghệ GSM đến 3G và 5G.
Trong báo cáo Ericsson Mobility Report được công bố tháng 6/2014, Ericsson dự đoán tới năm 2019, tỷ lệ thuê bao 4G LTE ở Bắc Mỹ sẽ chiếm tới 85% và đây có thể sẽ là một trong những khu vực đầu tiên ứng dụng 5G. Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ là những quốc gia sớm triển khai 5G vì NTT DOCOMO và SK Telecom cũng đang rất quan tâm đến công nghệ này.
Seizo Onoe, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc kỹ thuật của NTT DOCOMO tin rằng: "5G hứa hẹn mang tới những tính năng quan trọng hỗ trợ ứng dụng, mang lại lợi ích cho người dùng và ngành công nghiệp. Thành công của Ericsson đã chứng tỏ tiềm năng thực tế của công nghệ truy cập vô tuyến 5G ở ngay giai đoạn đầu tiên".
Theo Sathya Atreyam, chuyên gia của IDC, hiện chưa có chuẩn chính thức cho 5G, nhưng 5G đã đạt một bước tiến vượt bậc từ tầm nhìn công nghệ trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển mạng lưới và kinh doanh của các nhà khai thác viễn thông. Với tốc độ nhanh hơn, giảm độ trễ và hiệu suất hoạt động cao hơn ở các khu vực mật độ cao, 5G mang đến những trải nghiệm tiên tiến hơn cho người dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng M2M phục vụ người tiêu dùng.